Massage lưng là phương pháp chăm sóc giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng, lo âu,... cho bệnh nhân sau khi hóa trị liệu ung thư. Từ đó, cải thiện tâm trạng và sức khỏe của người bệnh.
1. Tình trạng mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư
Mệt mỏi thông thường là tình trạng thiếu năng lượng và có thể giải tỏa chỉ bằng một giấc ngủ ngon. Còn mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư là tình trạng mệt mỏi toàn thân quá mức, không được giải tỏa bởi giấc ngủ, có thể tồn tại 1 - 6 tháng hoặc lâu hơn. Mệt mỏi có thể khiến người bệnh không thể thực hiện các hoạt động bình thường.
Mệt mỏi liên quan đến ung thư là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư và cũng là một tác dụng phụ của các phương pháp điều trị bệnh. Các nguyên nhân gây mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư gồm: Hóa trị, xạ trị, ghép tủy xương, liệu pháp sinh học, sự phát triển của tế bào ung thư, dinh dưỡng kém,...
2. Hóa trị ung thư gây mệt mỏi, lo lắng
Riêng về phương pháp hóa trị liệu, bất kỳ loại thuốc hóa trị nào cũng có thể gây mệt mỏi. Mệt mỏi thường xuất hiện sau khi hóa trị vài tuần. Ở một số bệnh nhân, tình trạng mệt mỏi kéo dài vài ngày. Số khác thì bị mệt mỏi trong suốt quá trình điều trị và thậm chí là sau khi điều trị.
Về nguyên lý của hóa trị gây mệt mỏi: Hóa trị ung thư làm giảm số lượng tế bào hồng cầu, gây thiếu máu. Các tế bào hồng cầu đảm nhiệm mang oxy cung cấp tới mọi cơ quan trên cơ thể. Khi các mô cơ thể không nhận đủ oxy, bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc được sử dụng để điều trị các tác dụng phụ như đau đớn, buồn nôn, trầm cảm, lo lắng và co giật,... cũng có thể gây mệt mỏi. Ngoài ra, tình trạng căng thẳng, lo lắng, trầm cảm,... có thể làm trầm trọng thêm cảm giác mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư.
3. Các biện pháp giảm mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư do hóa trị
Một số biện pháp được sử dụng để giảm mệt mỏi, lo lắng ở bệnh nhân ung thư gồm:
- Thảo mộc và các chất bổ sung: Theo các bác sĩ ung thư, việc sử dụng vitamin E, vitamin C, selen và beta-carotene có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả của hóa trị và xạ trị. Thay vào đó, người bệnh nên sử dụng những loại thảo mộc và chất bổ sung khác như: Gừng (kiểm soát buồn nôn và nôn ói nhưng có thể làm loãng máu nên không dùng trước phẫu thuật), kẽm (giúp ngăn ngừa tình trạng thay đổi vị giác, cho phép người bệnh ăn ngon miệng hơn), Glutamine (giảm lở miệng, đau nhức và tình trạng yếu hoặc tê đau tay, chân), nhân sâm (giảm mệt mỏi do ung thư),...;
- Châm cứu: Đây là phương pháp đưa các mũi kim rất nhỏ vào da để cải thiện dòng chảy năng lượng trên cơ thể. Châm cứu giúp giảm đau, giảm buồn nôn, ói mửa, khô miệng, lo lắng và bốc hỏa;
- Massage: Một nghiên cứu thực hiện trên 1.290 bệnh nhân ung thư cho thấy những người được massage đã giảm đáng kể tình trạng đau đớn, lo lắng, mệt mỏi và buồn nôn;
- Thôi miên: Các chuyên gia sẽ đưa người bệnh vào trạng thái tập trung sâu, tập trung vào những thứ khác thay vì các triệu chứng ung thư. Thôi miên giúp giảm đau, giảm lo lắng, căng thẳng và buồn nôn;
- Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải giúp tăng cường năng lượng cho cơ thể. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân ung thư duy trì một thói quen tập thể dục vừa phải sẽ có chất lượng cuộc sống tốt hơn và có kết quả điều trị tốt hơn;
- Tinh dầu: Người bệnh có thể đun nóng các loại tinh dầu thơm để làm thơm phòng ở, thêm tinh dầu vào nước tắm hoặc sử dụng chúng để massage. Tinh dầu giúp giảm buồn nôn, giảm đau và kiểm soát tình trạng căng thẳng.
4. Massage lưng để giảm mệt mỏi, lo lắng do hóa trị ung thư
Một nghiên cứu được thực hiện để xác định hiệu quả của massage lưng như thế nào - một biện pháp chăm sóc can thiệp - đối với tình trạng mệt mỏi cấp tính do hóa trị và tình trạng lo lắng ở bệnh nhân hóa trị ung thư. Nghiên cứu này được thực hiện trên 40 bệnh nhân.
Trong nghiên cứu, người ta xác định tình trạng căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi của bệnh nhân hóa trị ung thư đều giảm đi sau khi được massage. Như vậy, có thể thấy việc massage lưng trong quá trình hóa trị ung thư sẽ giúp chăm sóc cho bệnh nhân tốt hơn.
Tình trạng mệt mỏi, lo lắng là các tác dụng phụ thường gặp sau khi hóa trị ung thư. Người bệnh có thể áp dụng các biện pháp trên để giảm căng thẳng, mệt mỏi, từ đó có sức khỏe tốt hơn và tâm trạng lạc quan hơn để chiến đấu với bệnh ung thư.